Thời gian qua, dư luận ồn ào trước khối tài sản ‘khủng’ của một số quan chức. Phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với Luật sư Trần Viết Hưng – Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội về việc các bản kê khai tài sản công chức có phải là tài liệu cấm công khai hay không?
Theo Luật sư Trần Viết Hưng, các Điều luật và trong Nghị định đã quy định khá chi tiết người có nghĩa vụ kê khai và các hình thức công khai bản kê khai tài sản.
Cụ thể, về nghĩa vụ kê khai tài sản, Điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rõ những người phải kê khai tài sản gồm:
a) Cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;
c) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Chính phủ quy định cụ thể những người phải kê khai tài sản quy định tại khoản này.
Bản kê khai tài sản công chức phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc. Tranh: Báo Người Lao động.
Điều 44 cũng quy định cụ thể, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.
Đồng thời, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.
Cũng theo Luật sư Trần Viết Hưng, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012 đã được bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản tại Điều 46a.
Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai.
Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012 sửa đổi cũng bổ sung quy định bản kê khai tài sản của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND tại kỳ họp.
“Đặc biệt, Điều 13 Nghị định số 78 năm 2013 của Chính phủ đã bổ sung quy định về công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai bằng một trong hai hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục. Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem Ban kê khai tài sản” – Luật sư Trần Viết Hưng cho hay.
Trả lời trên tờ Dân Việt, luật gia Lê Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Luật hợp danh FDVN cho biết, trước đây, bản kê khai tài sản là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật, nhưng hiện nay theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng, Nghị định 78 thì bản kê khai này được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, nó không phải là một thành tố của hồ sơ cán bộ, được công khai ở phạm vi nhất định, được các chủ thể, cá nhân nhất định khai thác sử dụng trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Quan điểm lập pháp của chúng ta cũng cần thay đổi. Mặc dù đây là thông tin của cá nhân người có trách nhiệm kê khai, nhưng do họ là người có chức vụ, quyền hạn nên để bảo đảm các quy định về phòng chống tham nhũng, những thông tin về tài sản của họ cần được công khai. Không chỉ công khai trong phạm vi Luật định hiện nay, mà công khai rộng rãi, để nhân dân giám sát, hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng”, luật gia Lê Hồng Sơn chốt lại.
Như vậy, với những điều luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể trên, Luật sư Trần Viết Hưng khẳng định, bản kê khai tài sản công chức không phải là tài liệu bí mật.
“Do đây không phải là tài liệu bí mật mà chỉ là thông tin cá nhân của người kê khai. Như vậy rất khó để truy cứu trách nhiệm hình sự về việc ai để lộ thông tin các bản kê khai tài sản” – Luật sư Trần Viết Hưng nêu rõ./
Theo https://baomoi.com/s/c/21880208.epi